CategoriesChuyện nhà Hapinut Chuyện nhà nông

[CỘI NGUỒN VÀ ẨM THỰC]

“Về đây với cả tâm tình

Ăn tô mì Quảng đời mình lên hương”

Mì Quảng không đơn thuần là một món ăn được truyền bá từ trăm năm mà nó còn là “nét đẹp” tạo nên kỉ niệm, kí ức của những người con xứ Quảng, là tinh thần, cốt cách của một lớp người xưa. 

Đối với những người con xứ Quảng, ẩm thực chính là một phần quan trọng kết tinh nên hồn cốt, những giá trị và nét tính cách đặc trưng của họ.

Có bao giờ bạn ăn một món ăn, rồi đặt câu hỏi kiểu như “tại sao xứ này người ta ưa các gia vị kiểu này thế nhỉ?” hay chưa? 

  • Mì Quảng sao lại được chan ít nước lèo như vậy?
  • Tại sao hương vị xứ Quảng lại đậm đà đến thế? 

Những câu hỏi đó, thật ra, mở ra nhiều thứ rộng hơn một món ăn ngàn lần…

Con người xứ Quảng đã tạo nên ẩm thực tinh túy của quê nhà. Họ gửi gắm trong từng món ăn là những gia vị sẵn có, những cách tẩm ướp thuần dân và cả một tâm huyết, tình cảm với người thưởng thức. Khi đó, thưởng thức món ăn không chỉ là thưởng thức một thú ẩm thực đơn thuần nữa, mà là thưởng thức cả văn hóa của một vùng đất, một cộng đồng người. 

Mì Quảng là sự hội tụ của “đa sắc”: màu vàng đặc trưng của sợi mì, thêm một chút đỏ, cam của thịt, tôm, một chút màu xanh của rau ăn kèm và màu trắng ngà đặc trưng của bánh đa và đậu phộng. Tất cả tạo nên một bát mì ngũ sắc vô cùng bắt mắt. Mì Quảng còn là “vị”: Hương vị đậm đà, thơm ngọt của nước lèo được nấu từ xương hầm, sườn non; vị beo béo vừa phải của dầu phộng, cái cay nồng của chén nước mắm ớt xanh và tỏi, cái giòn tan của hạt đậu phộng rang và miếng bánh tráng mè, cái vị chát pha giòn và ngọt hậu của bắp chuối, sự cay nhẹ của cải cau non vừa tách lá dài độ một ngón tay. “Hương” mì Quảng còn toát ra từ thứ hương đặc biệt từ nồi nước lèo, hương thơm nồng của lá húng lũi, bạc hà và ngọt giòn của cọng giá đỗ được ươm theo phương pháp cổ truyền của người dân Quảng Nam – Đà Nẵng.

Chính những “sắc – hương – vị” ấy đã tạo nên nét đặc biệt của món Mì Quảng quê hương. Những nguyên liệu đơn giản và bình dân ấy cứ thế hòa quyện vào nhau thành một tổng thể thống nhất và đầy tinh tế làm nên hương vị cội nguồn không thể thiếu đối với những người con xứ Quảng! 

“Ăn rồi thử hỏi còn chê chỗ nào 

Tôm rim cùng với thịt xào

Gà ta chặt miếng món nào cũng ngon

Rau sống tươi, bánh tráng giòn

Món ăn đặc biệt tiếng đồn gần xa”.

Bạn có tò mò người Quảng ở Sài Gòn đi ăn mì Quảng sẽ như thế nào không? 

Nhớ lại lần đầu tiên, nhìn thấy và ăn một tô mì Quảng ở Sài Gòn. Ừ thì đúng là Mì Quảng đấy, nhưng sao nó cứ lạ lạ… Người ta chan nước dùng nhiều như ăn bún. Sợi mì thì màu trắng như bánh phở,… 

Thoáng chút buồn và hụt hẫng… 

Chẳng qua là họ bứt rứt khi hình ảnh quê hương được truyền tải chưa thực sự đúng, họ nóng lòng muốn món mì Quảng phải “chuẩn vị” hơn, phải ngon hơn, phải danh giá hơn để họ có cái mà giới thiệu, kể lể, tự hào với bè bạn xứ người. Khi rời khỏi vùng đất sinh sản ra nó, mì Quảng không còn thuần túy là món ăn nữa mà trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của một vùng đất lắm kẻ tha hương. 

Những đứa con xứ Quảng xa quê đi ăn mì Quảng không giống như đi ăn lẩu dê, hủ tiếu gõ,… Họ không chỉ ăn bằng vị giác, khứu giác, không phải đơn thuần chỉ để thưởng thức cái ngon. Người Quảng đi ăn mì Quảng là đi ăn bằng tâm trạng, họ ôm theo nhiều hi vọng kiếm tìm “hương vị quê hương” ở nơi xa xứ. Như Nguyễn Nhật Ánh từng nói: “Gặp tô mì Quảng giữa Sài Gòn, với người Quảng đó là nỗi mừng rỡ tha hương ngộ cố tri”

Chính cái không gian nơi được gọi là “cội nguồn” ấy, chính những điều bình dị xung quanh tạo thành quê hương đã nung đúc nên “chất tinh” trong ẩm thực! 

Nội dung: Thùy Diệu

Thiết kế: Thanh Trúc

Trả lời