CategoriesTin tức

Ngày hội mì Quảng lần thứ nhất 2022 – “Tinh hoa mì Quảng” Phú Chiêm

Ngày hội mì Quảng lần thứ nhất với chủ đề “Tinh hoa Mì Quảng – Phú Chiêm” đã được tổ chức từ ngày 05/08 – 07/08 tại làng Thanh Chiêm, thôn Thanh Chiêm 2, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Ngày hội mì Quảng lần thứ nhất năm 2022 được tổ chức nhằm tôn vinh giá trị văn hóa, ẩm thực của mì Quảng. Qua ngày hội này, Ban tổ chức mong muốn góp phần bảo tồn, gìn giữ giá trị truyền thống, tôn vinh nghệ nhân làng nghề mì Phú Chiêm nói riêng và mì Quảng nói chung.

Ngày hội mỳ Quảng lần thứ nhất năm 2022

Ban tổ chức của ngày hội mì Quảng đã chọn ra 20 nghệ nhân nấu mì Phú Chiêm từ hàng trăm hộ nấu mì Quảng ở Điện Phương (Điện Bàn, Quảng Nam) và các xã lân cận để tham dự vòng chung kết. Tại vòng này, các nghệ nhân sẽ có cơ hội trổ tài nấu ăn của mình tại chỗ để trình diễn và phục vụ cho các du khách thưởng thức và bình chọn. Ngày chấm giải và đêm chung kết xếp hạng sẽ diễn ra vào 07/08.

Gánh mì của nghệ nhân

Bên cạnh hội thi mì Quảng thì trong ngày hội, Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Việt Thiên Ngân còn tổ chức cuộc thi “Ảnh nghệ thuận về Mì Quảng” và cuộc thi “Sáng tác thơ lục bát về mì Quảng”. Cũng trong dịp này, Ban tổ chức ra mắt tập sách “Mì Quảng: tìm hiểu lịch sử và giá trị ẩm thực” và chương trình giao lưu mì xứ Quảng và mì Nhật Bản. Bên cạnh đó là một số hoạt động khác trưng bày sản phẩm OCOP, trò chơi dân gian, trải nghiệm canh nông…

Có thể nói, mì Quảng là món ăn phản chiếu đời sống, tính cách của người miền Trung, mang đậm hồn quê của miền Trung đầy nắng gió, đơn giản nhưng chứa chan cảm xúc. Trải qua bao nhiêu năm tháng, mì Quảng vẫn giữ được sự đơn giản, mộc mạc như chính vùng đất sản sinh ra nó. Cũng chính vì vậy mà Mì Quảng có sức sống mạnh mẽ và luôn tìm được chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân cả nước.

Ngày hội đã lan toả được nét văn hoá truyền thống trong ẩm thực người dân xứ Quảng thông qua tô mì Quảng đến mọi du khách và vươn ra bốn phương. Đồng thời, ngày hội cũng tạo cơ hội để các địa phương, nghệ nhân nấu mì Quảng được giao lưu, trao đổi với nhau. Để từ đó xây dựng một điểm đến, điểm du lịch văn hóa, làng nghề góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, kết nối giữa di sản văn hóa Hội An và Mỹ Sơn.

Thái Thảo

Để lại một bình luận