Giải thưởng “Dự án khởi nghiệp của tỉnh Quảng Nam năm 2020” với ý tưởng đưa mì Quảng trở thành quà và có thể mang đi một cách tiện dụng của Kiều Bảo Hân đã chứng thực cho khát vọng của cô gái trẻ.
Vùng đất hứa cho nông nghiệp Quảng Nam
Kiều Bảo Hân may mắn được sống trong gia đình 3 đời tạo ra những sợi bún, mì đặc sản của quê hương xứ Quảng. Chứng kiến ông bà, cha mẹ thức khuya dậy sớm, lam lũ với công việc… cũng như những hạt giống từ lâu ươm mầm trong cô gái trẻ, để từ đó khi bước chân đi Sài Gòn học, cô đã luôn khắc khoải: “Mình sẽ làm gì để quay về phát triển cho gia đình, cho quê nhà?”. Câu hỏi đó luôn ám ảnh tâm trí cô mỗi ngày trong căn phòng trọ vỏn vẹn mười mấy mét vuông những năm tháng sinh viên xa nhà.
Cô quyết định thành lập Công ty TNHH Hapinut – Chuyên về thực phẩm năm 2019. Hân nhận thấy được sự kết nối giữa hệ sinh thái với nông nghiệp để có mục tiêu phát triển bền vững. Và bước đầu, cô đã quyết định cho ra những sản phẩm gắn liền với tuổi thơ trên vùng đất Quảng Nam, nơi đầy hứa hẹn cho nông nghiệp bền vững.
Những “hạt mầm nảy lộc”
Bảo Hân cho biết, hành trình khởi nghiệp bắt đầu không phải chỉ từ lúc gieo hạt, mà trước đó người nông dân phải thử nghiệm, tìm tòi, chọn lọc để biết rằng tại sao, cái gì và như thế nào để cho ra đời những cái cây giá trị và phù hợp.
Sau hơn 2 năm thành lập và phát triển, Hapinut đã chọn lọc được những tiêu chí phù hợp như: “vốn xoay vòng” của sản phẩm, niềm tin của bà con, “xây dựng hệ thống phân phối cùng hệ giá trị”, “áp dụng vận chuyển, bán hàng online” làm yếu tố then chốt và quan trọng là sự cho và nhận giá trị không chỉ ở sản phẩm mà cả trong mối quan hệ song song của thương hiệu – nhà sản xuất; nhà sản xuất – đại lí; đại lí – người bán hàng- người tiêu dùng,…
Có không ít những khó khăn ảnh hưởng đến doanh nghiệp như: Thời tiết Quảng Nam dù tiềm năng, nhưng mùa mưa bão thất thường như thiên tai lũ lụt, chảy máu chất xám ở nông thôn khi những người tài – học thức không chọn quay về quê hương, dẫn đến nhân lực không đủ tốt cho định hướng nông nghiệp tiên tiến được Hapinut định vị,…
Bảo Hân chia sẻ, với tuổi đời còn trẻ cũng là một thách thức về kinh nghiệm, vốn, quản trị doanh nghiệp cũng như áp lực kinh doanh. Cần phải dấn thân mạnh mẽ hơn, đó cũng là những viên gạch của ý chí cho công cuộc thay đổi suy nghĩ của người trẻ về con đường “đi để trở về” mà Bảo Hân quyết tâm theo đuổi đến cùng. Chính vì lẽ đó, lần lượt những sản phẩm của Hapinut ra đời ghi dấu ấn đậm nét trên thị trường như: dầu đậu phộng Hapinut (sản phẩm áp dụng công nghệ áp lạnh), bơ hạt Hapinut, dầu Haniput, bún, mì Quảng tươi,…
Bảo Hân nhân cho biết, công ty đủ tiềm lực để tập trung phát triển sản phẩm đặc sản Quảng Nam là dự án “Sợi Ngọc xứ Quảng” bao gồm: nhà máy sản xuất sợi bún, mì truyền thống của Quảng Nam với công cuộc “nâng tầm” mì Quảng – sợi ngọc Quảng Nam trong việc áp dụng công nghệ tự động hoá sản xuất “thuận tự nhiên”. Dự án đã được giải “Dự án khởi nghiệp của tỉnh Quảng Nam năm 2020” với ý tưởng đưa mì Quảng trở thành quà và có thể mang đi không giới hạn – một cách tiện dụng.
“Với thị trường tiêu thụ hơn 1 tấn/ngày cho bún, mì tươi, hi vọng rằng với bước tiến trong nghành hàng sản phẩm mì khô, năm 2021, sản phẩm đặc sản Quảng Nam sẽ có bước tiến mới, đem giá trị đặc sản đến với mọi vùng miền của Việt Nam và cạnh tranh ra thế giới”, Bảo Hân cho hay.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Giám đốc trẻ Kiều Bảo Hân, hiện tại Hapinut không chỉ giải quyết đầu ra cho những sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền mà còn phá vỡ những rào cản sản phẩm địa phương đến với vùng miền khác. Đồng thời, Hapinut còn có thể mang lại công việc cho nhiều người lao động, người nông dân tại Đại Lộc, Quảng Nam theo những cách làm mới khoa học hơn, quy chuẩn hơn, sạch sẽ hơn.
Nguồn: Báo Phụ Nữ Việt Nam