Mì Quảng có hương thơm gì nhỉ?
– Thoạt qua thì chẳng có mùi gì cả!
Nhưng điều kỳ lạ là khi những vị khách sẵn sàng muỗng, đũa trên tay để thưởng thức tô mì quảng trước mắt, khi họ bắt đầu bẻ vụn từng miếng bánh tráng giòn tan, thêm chút rau sống, ớt và vắt chút chanh thì “hương trong mì quảng” đã bắt đầu sống dậy…
Để có được thành quả là những sợi mì dai mềm, ngọt thơm mùi gạo người thợ sẽ bắt đầu xay gạo ra thành bột nước rồi tráng mì trên một nồi nước sôi bịt vải tương tự như làm bánh tráng. Nhưng lá mì dày hơn bánh tráng và không phơi khô mà sử dụng khi mì còn tươi. Lá mì sau khi tráng sẽ được thoa lên một ít dầu phộng đã được khử chín để các sợi mì sau khi xắt không bị dính cũng như tăng mùi thơm đặc trưng cho món mì Quảng. Không những thế, Mì Quảng sẽ thể nào thiếu củ nén. Người xứ Quảng thường có thói quen phi củ nén với dầu đậu phộng để tăng hương vị cũng như tạo nên điều đặc biệt trong nước nhưn.
Người Đà Nẵng và Quảng Nam có thói quen khi thưởng thức mì Quảng sẽ ăn kèm với rất nhiều rau sống để tăng thêm hương thơm và không bị ngán. Trong tô mì Quảng, ở lớp dưới cùng là hỗn hợp các loại rau sống; lớp tiếp theo là những sợi mì vàng xen lẫn sợi mì trắng; trên cùng là phần nhân với các nguyên liệu tùy chọn như tôm, gà, ếch, trứng… Tiếp đến, người ta rắc thêm ít hành, ít lạc rang lên trên. Khi thưởng thức món mì Quảng, bạn cần sẽ trộn đều tô mì để các nguyên liệu hòa quyện. Hương thơm của các loại rau hòa quyện cùng vị béo của thịt, cá, trứng… sẽ rất kích thích vị giác. Bên cạnh đó, vị thơm bùi, giòn của đậu phộng rang cùng bánh tráng giòn rụm cũng sẽ góp phần tạo nên hương vị đậm đà đặc trưng của món mì Quảng.
Thùy Diệu