Nhà sử học Dương Trung Quốc ví von, phở là đại sứ Việt Nam thân thiện, gần gũi nhất ở nước ngoài: “Phở đã quen thuộc ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta ra thế giới, gặp nhiều hàng phở, có thể chủ nhân là người Việt, cũng có thể là chủ nhân người nước ngoài. Nhưng đặc biệt cái tên không thể nào thay đổi. Vì thế tôi nghĩ rằng, đó là một trong những đại sứ Việt Nam ở nước ngoài gần gũi nhất thân thiện nhất với mọi người”.
Đúng vậy, khi nhắc đến Việt Nam, du khách nước ngoài có thể đọc rõ ràng từ “Phở” để miêu tả cho sự đặc sắc của hương vị truyền thống nước ta. Và ở chiều ngược lại, chính phở lại là món ăn góp phần tôn vinh văn hóa ẩm thực quê nhà. Giờ đây, phở không chỉ xuất hiện trên các trang báo cùng với những lời khen ngợi, hay nằm trong top các món ăn ngon phải thử được vinh danh hằng năm mà chúng đã “chu du” đến nhiều vùng đất mới. Nhẩm tính ra, nếu cấp visa du lịch cho phở thì chắc cũng chi chít dấu mốc của khắp các nước trên bản đồ ẩm thực thế giới rồi đấy.
Hãy khám phá món phở Việt ở nước ngoài đã tạo dấu ấn trên bản đồ ẩm thực thế giới như thế nào nhé!
Phở Việt ở Mỹ
Có lẽ Mỹ là một trong những quốc gia “xuất ngoại” đầu tiên mà phở đặt chân lên. Điều này chẳng lấy làm lạ khi những tờ báo có tiếng như CNN, BCC hay New York Daily đều dành những mĩ từ để khen ngợi món ăn này. Thậm chí, vị đầu bếp khó tính Anthony Bourdain còn list phở vào những món ông yêu thích nhất. Chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ khiến người dân nước Mỹ mong ngóng được thưởng thức phở đến nhường nào.
Theo những bài tổng hợp các quán phở tại đất Mỹ, có hàng trăm quán phở đến từ nhiều thương hiệu khác nhau như Phở Hoà, Phở Bằng, Phở Nhà Tôi, Phở Pasteur, Phở 14… tồn tại. Hầu hết đây là những quán ăn thuần Việt, do người bản xứ phục vụ nên ai cũng phải công nhận độ đậm đà, chuẩn vị.
Các quán chủ yếu chỉ phục vụ phở bò với sợi bánh mềm dai, thịt bò thơm đậm và làn nước dùng nấu cùng thảo mộc theo kiểu truyền thống. Tô phở ở đây không chỉ làm người ta thỏa lòng vì độ béo ngậy, ngon lành mà còn mang đến cảm xúc mộc mạc như chính ở quê nhà.
Phở Việt ở Anh
Đến với trời Tây, món phở Việt cũng tỏa sáng không hề thua kém những đĩa beefsteak, mì Ý, pizza… Nổi bật nhất ở Anh chính là thương hiệu Phở Holdings, với hơn 9 cửa hàng phục vụ ở khắp các con phố. Món ăn nơi đây đã dần chinh phục những vị giác khó tính với tô phở bò tròn đầy và nguyên vị như ở chính xứ sở của chúng.
Tô phở bò khi đến Anh có kích thước to hơn nhưng vẫn giữ nguyên chất riêng với mùi thơm nồng của nước dùng ninh từ xương, miếng thịt bò mỏng mềm, bánh phở dai dai… Điểm nhấn trong phần ăn có lẽ là đĩa rau đầy đặn nào giá, húng quế, rau mùi, tương ớt… những hương vị “rất Việt”. Bạn sẽ chẳng nhận ra sự khác biệt giữa tô phở truyền thống và tô phở được phục vụ ở Anh từ vẻ ngoài đến hương vị.
Dường như phở đã âm thầm làm thay đổi thói quen ăn uống của người Anh, bởi người dân nơi đây đã biết đến các loại nguyên liệu lạ lẫm như rau thơm, nước mắm và cả cách dùng đũa khi ăn. Không chỉ là một sự đặc sắc của ẩm thực, phở còn lan tỏa nét đẹp văn hóa của người Việt đến với thực khách phương xa.
Phở Việt ở Úc
Lên google tra từ khóa “quán phở Việt ở Úc”, bạn sẽ thích thú với hàng ngàn kết quả trả về. Điều đó đủ chứng tỏ sức hút của món ăn này ở quốc gia thuộc châu Đại Dương. Ở các khu phố như Bankstown, New South Wales của Sydney đều có ít nhất 2 – 3 quán phở mở cửa phục vụ thực khách. Trong đó nổi tiếng nhất là hai cái tên, phở Pasteur và phở Tàu Bay.
Nếu nói về độ lâu đời thì chẳng nơi nào vượt mặt được thương hiệu phở Tàu Bay. Có mặt tại Sydney hơn 40 năm và là một trong những tiệm phở Việt đầu tiên của thành phố này. Tô phở gia truyền đáp ứng từ phần hương lẫn phần vị với độ đậm đà của món ăn và sự góp sắc của các loại phụ liệu như rau, giá, hành tây, tương… Bánh phở dai mềm cùng những lát thịt mỏng hài hòa, tái nạm đầy đủ khiến thực khách nơi đây hoàn toàn bị chinh phục.
Còn về phở Pasteur, quán có phần hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được công thức món truyền thống. Tô phở hấp dẫn với vị ngọt từ nước dùng ninh xương, sợi phở thơm mùi bột gạo, thịt bò tươi và rau giá đi kèm. Mức giá phở ở Sydney tương đối đắt, tầm hơn 18AUD, khoảng 300k cho mỗi tô, nhưng thực khách tại đây đều cảm thấy chẳng tiếc khi thưởng thức hương vị thơm ngon, độc đáo như thế.
Phở Việt ở Hàn
Theo những thống kê, chỉ riêng ở thành phố Seoul sầm uất cũng đã có hơn 150 nhà hàng phục vụ các món phở. Thậm chí có một phép so sánh thú vị là, người Việt yêu thích ẩm thực Hàn bao nhiêu thì xứ sở kim chi lại phải lòng những tô phở nước ta bấy nhiêu. Những thương hiệu phở Việt đã tạo dấu ấn trong lòng thực khách tại đây là Little Saigon, Little Papa Phở, Phở Mein…
Chẳng phải nói chi xa xôi, những ngôi sao nổi tiếng xứ Hàn sau khi thưởng thức phở đều phải công nhận sự đặc sắc của hương vị này. Kể ra danh sách này chẳng hề ngắn gọn đâu, nào là Bi (Rain), Ok Taecyeon (2PM), T-Ara, Wanna One, Hui (Pentagon), Chaeyeon… Thậm chí Junsu (JYJ) mê phở đến nỗi mở cả quán Phở Bay từng khiến cộng đồng fan Việt sung sướng.
Tuy nhiên, phở ở Hàn có phần biến tấu hương vị để phù hợp với người dân bản xứ hơn. Cụ thể là nước dùng sẽ thiên về độ ngọt và bánh phở không phải kiểu bột gạo dai mỏng mà tương đối trong và chắc hơn. Đôi lúc người Hàn còn kết hợp ăn phở cùng kimchi rất độc đáo. Nhưng điểm nhấn là thịt bò vẫn giữ được sự đa dạng, đầy đủ lựa chọn như tái, nạm, gân, gầu… cùng nước dùng thơm lừng hấp dẫn.
Phở Việt ở Brazil
Ở tận quốc gia vùng Nam Mỹ xa xôi cũng chẳng thể nào từ chối để phở có thể “nhập cảnh” góp vị vào nền ẩm thực nơi đây. Quán ăn Mekong ở trung tâm thành phố Rio de Janerio là nơi bạn sẽ tìm thấy hương vị quen thuộc từ quê nhà. Đủ để chứng tỏ phở được yêu thích xuyên lục địa đến mức nào.
Phở ở Brazil vẫn có đầy đủ giá, rau thơm, húng quế, tương và sa tế ăn cùng, vị ngọt của nước dùng được chế biến theo đúng công thức gốc của Việt Nam với các nguyên liệu thảo mộc nhưng thịt bò lại là sản phẩm từ địa phương. Tuy nhiên, không vì thế mà tô phở lại mất đi độ đậm đà, thơm lừng, thậm chí sự kết hợp này còn giúp thực khách bản xứ cảm thấy phù hợp hơn.
Có lẽ khoảng cách tận 17.000km sẽ làm phở ở Brazil không thể sánh bằng khi ở Việt Nam nhưng chúng ta hãy tự hào rằng, món ăn Việt đã có những bước tiến rất xa trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Phở Việt ở Nhật Bản
Dù mới lần đầu “xuất ngoại” nhưng những thương hiệu như Phở Dậu, Phở Thìn, Phở Hai Thiền, Phở Sâm Ngọc Linh, Phở Sen SASCO, Phở khách sạn Majestic Sài Gòn, Phở khách sạn Grand Saigon, Phở nhà hàng sân golf Thủ Đức (VGCC)… đều được những người yêu phở Nhật Bản lẫn người Việt xa quê dễ dàng nhận ra. Trong lúc cao điểm, dòng người xếp hàng trước các gian hàng phở cho thấy sự yêu thích đó.
Phở cho thấy sự tương đồng, gần gũi về văn hóa giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản. Hai nước đều dùng nhiều sản phẩm từ gạo trong đời sống hằng ngày.
Theo các thực khách, hương vị món ăn Nhật thường thanh tao, nhẹ nhàng, hợp với không khí thiên nhiên của mỗi mùa, mang đậm bản sắc riêng. Món phở của Việt Nam cũng có những nét tương đồng như vậy.
Và để góp phần đưa nâng tầm Phở Việt vươn ra thế giới, Hapinut đã cho ra Bộ Phở Noodle Kit – hội tụ tinh hoa phở Việt. Đưa phở Việt đồng hành trong từng chuyến đi, từng lần gặp gỡ, trao gửi yêu thương khắp bạn bè tứ phương.