Vừa mới bước qua tuổi 24, cô gái xinh đẹp Kiều Bảo Hân trở về quê hương, chọn cách khởi nghiệp biến đặc sản truyền thống xứ Quảng trở thành quà tặng mang đi một cách tiện lợi.
Sinh ra trong gia đình 3 đời làm nghề truyền thống ở Đại Lộc, Kiều Bảo Hân không xa lạ với món mì Quảng, bún mì tại quê hương Quảng Nam. Hân cảm nhận nỗi cực khổ khi gia đình cùng thức khuya, dậy sớm sản xuất và buôn bán mì Quảng. Từ đó, ý chí hun đúc cô gái nhỏ phải vào TP.HCM học tập và tìm kiếm con đường khởi nghiệp cho mình.
Ước mơ nâng tầm sản phẩm quê
Năm nhất học ĐH ngành quản trị kinh doanh, Hân đã vẽ nên con đường đi cho nhiều năm sau. Cô mơ ước sẽ là một người khởi nghiệp thành công trong tương lai. Để biến giấc mơ thành sự thật, Hân cho rằng phải tìm sản phẩm khởi nghiệp thật bền vững. “Không đâu bằng khởi nghiệp bằng nông sản, đặc sản ở quê như: đậu phộng, mì Quảng, bún mì. Đó là lợi thế mình nắm được từ nhỏ và chọn nó để phát triển”, cô nói.
Hân đặt viên gạch đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp bằng cách đi học hỏi. Song song học ở trường, cô tham gia các lớp học nâng cao, học xa hơn lộ trình học ĐH. Từ các chủ doanh nghiệp, những nơi chia sẻ kỹ năng khởi nghiệp đều có mặt Hân. Tiếp tục, cô gom góp những bạn có “máu” kinh doanh cùng nhau thực hiện ý tưởng. Thế là trong 4 năm ĐH, Hân đã gom đủ cho mình những kiến thức để bắt đầu hành trình thực hiện hóa giấc mơ.
“Thời gian đi học, tôi may mắn gặp được những giám đốc điều hành lớn trong và ngoài nước, giúp tôi nhìn lại nhiều thứ. Tôi phải có mục tiêu rõ ràng, hoài bão, sự tự tin và khát khao khởi nghiệp để làm điểm tựa xây dựng quan hệ khi mình mới 23, 24 tuổi”, Hân nói.
Dần dần, những chuyến đi về TP.HCM – Quảng Nam đều có dấu chân của Hân. Từng luống đậu phộng của nông dân ở quê nhà được Hân bao tiêu, đặt mua để sản xuất; từ 300 kg đậu phộng mua vào ban đầu, Hân dần mở rộng sản xuất kinh doanh. Cô nhanh chóng đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm. Năm 2019, Hân thành lập công ty chuyên về sản phẩm dầu ăn được làm từ đậu phộng, đậu phộng sấy khô, bơ hạt từ quê hương và bán tại TP.HCM.
Làm đặc sản truyền thống thành quà
Các sản phẩm từ nông nghiệp này được phân phối ở nhiều kênh và các trang thương mại điện tử tại TP.HCM. Hân tiếp tục quay lại tỉnh nhà đầu tư để trở thành doanh nghiệp trẻ của tỉnh. Tận dụng lợi thế gia truyền, cô lại phát triển thêm sản phẩm đặc sản là dự án “Sợi Ngọc xứ Quảng”, bao gồm sợi bún và mì Quảng truyền thống. Tuy nhiên, hạn chế nhất của bún mì ướt là không thể mang đi và bảo quản lâu ngày. Do vậy, Hân chọn điểm nhấn của sản phẩm mì Quảng khô, có thể mang đi làm quà một cách dễ dàng. Cô bắt đầu xây dựng nhà máy, chuyển mô hình truyền thống về tự động hóa nhưng không quên sản xuất “thuận tự nhiên”. Hân cùng nhóm bạn quản lý 2 đầu sản xuất và bán ra ở Quảng Nam, TP.HCM.
Với thành công đó, mỗi ngày công ty Hân cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn bún, mì sợi. Đồng thời, dự án còn nhận được giải Dự án khởi nghiệp của tỉnh Quảng Nam năm 2020 với tiêu chí nâng tầm sản phẩm bún, mì khô.
Hân cho biết khởi nghiệp khi độ tuổi còn rất trẻ là một thách thức lớn. Khó khăn nội tại là quá trình xoay vòng vốn, quản trị doanh nghiệp, áp lực doanh số, mối quan hệ về độ tuổi với nhân viên. Ngoài ra, còn những thách thức bên ngoài như thời tiết thường xuyên lũ lụt ở Quảng Nam khiến nguồn cung hạn chế. Nguồn nhân lực tay nghề cao ở Quảng Nam chưa thực sự đáp ứng đúng tiêu chí đặt ra. Cô cho rằng chỉ có cách bước đến đâu sẽ hoàn thiện mình đến đó, dùng sự tự tin, kiến thức, dám đương đầu với khó khăn để mọi người thấy được năng lực thực sự của mình. Đó cũng là cách để quản trị nhân sự.
Sau hơn 2 năm khởi nghiệp, Hân nhận thấy: “Trở về quê khởi nghiệp là một tiềm năng rất lớn. Khá nhiều bạn trẻ chọn cách rời quê khi không có môi trường tốt, nhưng giờ đây có thể thay đổi suy nghĩ khi quay về đầu tư khởi nghiệp. Mình đi xa rồi học hỏi, tại sao không mang những công nghệ tiên tiến trở về quê hương để làm giàu. Tôi tin có thể thuyết phục những người bạn tài năng ở nơi khác có thể trở về, tạo ra những sản phẩm tốt có thể bán ra thị trường”.
Nguồn: Báo Thanh Niên