Nghề làm bún tươi truyền thống ra đời và tồn tại ở khối phố Phương Hòa Đông, phường Hòa Thuận, thành phố Tam Kỳ đã gần 200 năm qua.
Bà Lại Thị Từ (60 tuổi) chia sẻ kinh nghiệm làm bún ngon: “Gạo làm bún phải là gạo 13/2 thuần chủng trộn chung với gạo 5 số theo tỷ lệ 1:1 để bún dai, không nhão và gạo phải được vuốt thật sạch thì bún mới trắng. Sau khi lăn bột thành từng khối thì phải lấy bao ny lông đậy lại để bột không bị nứt, khô se; nếu bột bị nứt, khô da thì con bún sẽ không thẳng đều. Rồi khi luộc thì phải đun lửa lớn để đủ nhiệt độ bún chín, không ngâm bún lâu trong nồi bún sẽ nhão và nát. Từng công đoạn cũng phải thực hiện chuẩn xác, canh đúng thời gian thì bún mới đảm bảo chất lượng”. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hồng Sa cho biết, công đoạn quan trọng của việc làm bún là thời gian bòng. Tức gạo sau khi ngâm mềm vớt ra xay rồi cho bột đã xay vào một túi vải, vặn miệng túi chặt lại và vác đá chần lên trên túi bột cho rỏ nước trong vòng 10 tiếng. Nếu không đủ thời gian đó, bột chưa đủ độ khô nhưng nếu để lâu quá bột sẽ bị chua.
Bà Bùi Thị Tự (88 tuổi) là người làm bún lớn tuổi nhất “xóm bún” cho biết, bà sinh ra và lớn lên tại đây, từ khi mới lên ba lên năm tuổi, bà đã phụ giúp gia đình một số việc vặt trong các công đoạn làm bún. “Của hồi môn” mà ông bà, cha mẹ để lại cho bà chính là nghề làm bún. Rồi bà lập gia đình và ở lại đây tiếp tục công việc gia truyền của dòng họ. “Nhờ có nghề bún, với tận dụng nước vo gạo, nước luộc bột, luộc bún; chúng tôi nuôi thêm heo nên kinh tế gia đình cũng ổn định và nuôi 4 người con khôn lớn, trưởng thành”. Bà Tự tâm sự. Hai người con gái bà là Lại Thị Từ (60 tuổi) và bà Lại Thị Tư (57 tuổi) cũng đang tiếp tục nối nghiệp mẹ và bà vẫn phụ giúp các con như đun lửa, quay kít… Cũng như bà Tự, rất nhiều người ở xóm bún vì là “con nhà nghề” nên từ nhỏ họ đã biết làm bún. Ông Nguyễn Châu (78 tuổi) và bà Nguyễn Thị Đồng (67 tuổi) cũng vậy, họ đều là người dân gốc tại đây nên họ không biết mình đã làm bún được bao nhiêu năm. Ông Châu chia sẻ: “Chúng tôi sinh ra, rồi lớn lên cùng nghề bún”. Đời ông truyền đời cha rồi đời cha truyền đời con, các thế hệ trong các gia đình nối nhau giữ nghề”.
Bà Nguyễn Thị Đồng chia sẻ thêm, mỗi ngày gia đình bà làm khoảng 50kg gạo, được khoảng 85 – 90 ký bún, tùy vào chất lượng gạo. Bà bỏ sỉ giá 9.000 đồng/kg, bán lẻ thì 10.000 đồng/kg. Nếu bán hết tổng tiền lãi khoảng 400 nghìn đồng. Bà nói: “Nhờ làm bún tôi có thêm một khoản tiền để dành lúc đau ốm, dưỡng già. Và tôi sẽ tiếp tục làm đến khi nào không còn sức khỏe để làm nữa thì thôi”. Là khách hàng thường xuyên của xóm bún, chị Phạm Thị Thu Hà (53 tuổi, khối phố Phương Hòa Nam, phường Hòa Thuận) chia sẻ: “Tại chợ thì bún được bày bán rất nhiều, nhưng thông tin bún có chứa hóa chất, hàn the luôn làm người tiêu dùng như tôi cảm thấy lo lắng. Do đó, bún tại “xóm bún” là sự lựa chọn an toàn để gia đình tôi yên tâm đổi món thay cơm vào những bữa cuối tuần”.
Theo tài liệu “Di tích đình làng Phương Hòa”, nghề bún tươi truyền thống Phương Hòa có cách đây gần 200 năm. Ông tổ làm bún là ông Nguyễn Dột, quy trình làm bún thủ công phải qua nhiều công đoạn, thuở ban đầu có 5 -7 hộ, sau phát triển thêm. Nghề làm bún tươi được phát triển rộng khắp trong làng ấp, kết hợp với nuôi đàn heo thịt, đời sống người dân được ổn định, giải quyết được lao động. Ngày 13.4.2008, làng vinh dự và tự hào đón nhận bằng công nhận làng nghề bún tươi truyền thống Phương Hòa.
Theo Báo Quảng Nam
Ngôi đình cổ ở Xóm Bún
Từ trung tâm thành phố Tam Kỳ đi theo quốc lộ 1A về hướng Bắc khoảng 4km, rẽ trái từ Nhà thờ Tin Lành Phương Hòa theo đường bê-tông vào làng khoảng 1km là gặp đình Phương Hòa. Ngôi đình tọa lạc tại đồng Tro Xá, bên trường Phương Hòa, thuộc ấp Hòa Đông cũ, nay là khối phố Phương Hòa Đông, phường Hòa Thuận.
Các vị cao niên trong làng cho biết, ban đầu đình được xây dựng trên một khu đất cao tại xứ Bàu Môn gần đó, một thời gian sau trong làng xảy ra nhiều chuyện không hay. Xem lại thấy vị trí đình gần suối nước chảy, có những ý kiến cho rằng, đình bị ảnh hưởng long mạch nên dân làng làm ăn không nên nổi, bàn cách dời đình xuống khoảng 500m về cuối làng. Tại đây, ao nước trước đình khá sâu, mùa khô vẫn không cạn mà còn có thể tưới nước cho mẫu ruộng hương điền bên cạnh, trong khuôn viên đình trồng 3 cây cóc và bức bình phong vôi đá.
Lần thứ hai không rõ vì nguyên nhân nào mà đình được di dời lần nữa, cũng thuộc xứ Bàu Môn nhưng thuộc ấp Hòa Tây cũ. Đình được xây dựng trên một khu đất cao và cùng với đình lúc này là sự kết hợp hài hòa với miếu thờ Thành hoàng phía bắc, chùa làng phía nam, cách đó không xa là một ngôi miếu.
Qua lời kể của các cụ già trong làng, trước đây khi còn tọa lạc ở xứ Tro Xá, đình là một tổng thể kiến trúc tam quan, thành bao quanh, ba gian hai chái, có nhà trù. Cách đây gần 200 năm, làng Phương Hòa nổi tiếng khắp phủ Tam Kỳ với nghề làm bún tươi truyền thống với ông tổ nghề là ông Đỗ Dột. Thấy nghề làm bún ăn nên làm ra, hầu hết những người dân trong làng đều làm thêm nghề bún bên cạnh nghề làm ruộng. Vì vậy, làng còn có tên là Xóm Bún và nghề bún trở thành nghề truyền thống của làng cho đến nay.
Tuy đã nhiều lần thay đổi địa điểm nhưng trong tâm thức của người dân làng Phương Hòa bao đời nay, đình vẫn được xem như một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của vùng đất này. Vẫn là nơi dân làng thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện sự tri ân đối với những bậc tiền nhân, tiền hiền, hậu hiền – những người đã có công khai hoang, khẩn hóa, quy tập dân điền lập nên làng xã ấm no, trù phú, đình còn được xem là nơi cố kết cộng đồng, thắt chặt hơn nữa tình làng nghĩa xóm qua những sinh hoạt làng xã, những lễ cúng xuân – thu nhị kỳ, lễ cúng đình, cúng xóm khi Tết đến, xuân về…
Ngày nay, khi đến thăm đình làng Phương Hòa, có thể nhận thấy đây là một công trình kiến trúc cổ bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương và được xây dựng theo bố cục hình chữ Nhất (一) gồm 3 gian, 2 chái được những người thợ mộc tài hoa của làng mộc Vân Hà xây dựng cách đây gần 200 năm. Toàn bộ khung đình chịu lực trên 30 cột gỗ mít được chạm khắc công phu, tất cả cột gỗ mít đều được kê trên đá tảng. Các hàng cột theo hàng dọc được bố trí khoảng cách theo thước Lỗ Ban: ba gian giữa bằng nhau mỗi gian rộng 2,85m, hai gian chái mỗi gian rộng 1,85m. Mặt cắt ngang có 5 hàng cột gồm 2 cột cái, 2 cột quân và 1 cột hiên, được liên kết với nhau theo kiểu thức vì kèo giao nguyên, cùng theo lối kẻ chuyền tam kèo.
Các đầu kèo được chạm khắc công phu với hình tượng hoa lá cách điệu, phần đuôi trính được chạm khắc đầu rồng khá đẹp và sắc sảo, trên trính có đặt trụ đội trên đấu được chạm khắc tinh xảo và liên kết với kèo nóc bởi một xà cò (cây đòn đông hạ). Điều đặc biệt là phía mặt dưới của cây đòn đông hạ vẫn còn lưu giữ dòng chạm khắc bằng chữ Hán về năm xây dựng đình: “Minh Mạng thập nhị niên, tứ nguyệt, kiến nhật tạo lập”, nghĩa là ngôi đình được xây dựng vào ngày lành tháng Tư, năm Minh Mệnh thứ 12 (năm 1832)…
Qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc của đình Phương Hòa đã có nhiều thay đổi: cột hiên được gá thêm một trụ bằng gạch trát xi-măng, nền hiên được tôn cao bằng mặt nền bên trong đình và được xây tường bao quanh để bảo vệ. Tuy vậy, về tổng thể, ngôi đình của làng nghề làm bún trên dưới hai thế kỷ này vẫn giữ nét cổ kính, được xem là một trong những ngôi đình có niên đại khá sớm ở Quảng Nam và có kiến trúc nghệ thuật độc đáo còn sót lại trên địa bàn thành phố Tam Kỳ, đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh vào tháng 2-2005.
Theo Báo Đà Nẵng